2025年01月2日, 週四

Peru tiết lộ hệ thống theo dõi vệ tinh để hậu thuẫn cho các nỗ lực tái tạo rừng

Chính phủ Peru đã phát hành các dữ kiện tái tạo rừng dành cho công chúng trong lần đầu tiên như một phần trong chương trình nhằm chăm sóc rừng trong quốc gia họ một cách bền vững.

Lãnh thổ quốc gia gồm có 65 triệu mẫu rừng nhiệt đới Amazon, là quê hương của nhiều loài hoang dã kỳ diệu, đặc sắc và gỗ cứng nhiệt đới khác nhau. Tuy nhiên, rừng nhiệt đới đã bị phá hoại bởi nạn khai thác gỗ bất hợp pháp, đe dọa sự đa dạng sinh học phong phú và nhiều cộng đồng dân bản xứ địa phương.

Chính phủ đã thông qua một đạo luật vào năm 2000 để thúc đẩy việc quản lý rừng bền vững và thông báo sự tham gia của chính phủ trong chương trình Liên Hiệp Quốc về Việc Giảm thiểu Khí thải từ Nạn Phá rừng và Rừng Suy thoái (REDD+) cho các quốc gia đang phát triển vào tháng Hai năm 2013. Hệ thống dữ kiện vệ tinh mới này giúp chính phủ và các cộng sự viên thấy được các nỗ lực bảo vệ rừng nhiệt đới của họ có hữu hiệu hay không.

Các dữ kiện phá rừng được thu thập bằng hệ thống hình ảnh vệ tinh vô cùng tinh vi từ Cơ Quan Hàng Không và Không Gian Quốc Gia Hoa Kỳ (NASA), được kết hợp với nhu liệu phân tích dữ kiện. Dữ kiện sơ khởi cho thấy mặc dầu diện tích đất rừng đã giảm từ 80% trong năm 2000 xuống 78% ngày nay, nhưng mức độ phá rừng đã bắt đầu chậm lại vào năm 2010.

Tiến Sĩ Greg Asner, thuộc Viện Carnegie về Khoa Học, cho trang mạng khoa học và tin tức môi sinh mongabay.com “Đây là công trình to lớn. Chính phủ Peru đang thực hiện các ước lượng đầu tiên của họ về nạn phá rừng để công chúng có thể xem.”

Tiến Sĩ Asner, người đang làm việc với chính phủ Peru để phát huy hệ thống, tin rằng điều đó có thể là một mô hình cho các chính phủ khác theo dõi sự tiến bộ của chính họ trong việc tái tạo rừng.

Chúng tôi rất kính trọng và cảm kích Chính Phủ Peru về việc cung cấp thông tin quan trọng này cho công chúng và các nỗ lực của  trong việc giảm thiểu nạn phá rừng ở quốc gia xinh đẹp của quý vị. Cũng vô cùng cám ơn mongabay.com đã chia sẻ những điều phát hiện. Cầu mong có thêm nhiều dữ kiện như vậy được phô bày trên khắp thế giới, nhằm tạo điều kiện cho nỗ lực hợp nhất để bảo tồn những khu rừng duy trì sự sống của chúng ta.