Hệ thống trồng trọt hữu cơ do Linh Mục Jesuit khai triển được ca ngợi như một trong những sự tiến triển quan trọng nhất cho giới nông gia quy mô nhỏ trong 50 năm.
Sumant Kumar, một nông gia trong làng Darveshpura ở tiểu bang Bihar miền đông bắc Ấn Độ, thường thâu hoạch 4 đến 5 tấn lúa mỗi mẫu đất, độ năng suất lúa trung bình trên thế giới. Tuy nhiên, vào năm 2011, với kỹ thuật dùng phân bón hữu cơ, không dùng thuốc diệt cỏ hay GMO (giống thay đổi gen), và cần ít nước và hạt giống, ông đã trồng được 22,4 tấn lúa, kỷ lục thế giới, một cách đáng kinh ngạc, trên chỉ một mẫu đất thôi. Bốn người bạn của ông trong làng, mỗi người đã sản xuất trên 17 tấn lúa. Hơn nữa, sáu tháng sau, một người bạn của ông Kumar đã vượt kỷ lục thế giới trong việc trồng khoai tây. Tiếp theo đó một nông gia ở ngôi làng bên cạnh đã lập kỷ lục ở Ấn Độ về việc trồng lúa mì. Trong vùng mà điều kiện thời tiết không thể tiên đoán được, gây nhiều ảnh hưởng đến khả năng sản xuất đủ lượng thực phẩm cho cư dân, cách trồng trọt mang lại kết quả kinh ngạc như vậy thật là một tin rất vui. Để thể hiện sự ủng hộ phương cách trồng trọt đó, chính phủ Bihar đã công nhận ông Kumar và ông cũng được đề cập đến trong quốc hội Ấn Độ. Hơn nữa, vào năm 2014, Bihar sẽ đầu tư 50 triệu Mỹ kim để quy mô hóa phát minh tinh xảo này, được gọi là Hệ Thống Lúa Tăng Cường hay SRI (System of Rice Intensification).
Hiện được áp dụng tại trên 50 quốc gia ở Á Châu, Phi Châu, và Châu Mỹ La Tinh, SRI được ca ngợi là một trong số những tiến bộ quan trọng nhất trong 50 năm qua dành cho 500 triệu nông gia quy mô nhỏ trên khắp thế giới và hai tỷ người nương dựa vào đó. Được phát minh trong thập niên 1980 ở Madagascar bởi Cha Henri de Laulanié, linh mục dòng Jesuit kiêm nhà nông học, sau khi xem xét cách trồng trọt của dân làng. Bốn nguyên tắc chính của phát minh là: “1) thiết lập lúa sớm, nhanh và lành mạnh; 2) mật độ lúa được giảm bớt; 3) điều kiện đất được cải thiện qua độ phì nhiêu bằng chất hữu cơ; 4) giảm thiểu và kiểm soát mức sử dụng nước.” Nhờ vậy, nông gia trồng ít hạt giống lúa hơn, cấy chúng cách nhau xa hơn; dùng ít nước hơn; dùng nhiều phân bón hữu cơ; và thông khí trong đất để kích thích rễ lớn mạnh và giúp rễ hấp thụ thêm chất dinh dưỡng. Ngoài lúa ra, SRI đã còn được thích nghi một cách hữu hiệu với nhiều loại mùa màng khác, như lúa mì, khoai tây, mía, khoai mỡ, cà chua, tỏi, và cà tím, cho thấy mức thu hoạch gia tăng đáng kể.
Tiến Sĩ Norman Uphoff, giáo sư người Mỹ kiêm cựu giám đốc Viện quốc tế về Thực Phẩm, Canh Nông và Phát Triển tại Trường Đại Học Cornell ở Nữu Ước, Hoa Kỳ đã hướng dẫn nỗ lực chia sẻ lợi ích của SRI trên khắp thế giới. Ông là Cố Vấn Thâm Niên cho Trung Tâm Hệ Thống và Tài Nguyên Quốc Tế SRI (SRI-Rice) tại Trường Đại Học Cornell. Tiến Sĩ Uphoff cho biết, “Nền nông nghiệp trong thế kỷ thứ 21 cần phải được thực hành theo một cách khác. Đất và nước ngày càng trở nên khan hiếm hơn, phẩm chất kém hơn, hay ít tin cậy hơn. Điều kiện khí hậu ở nhiều nơi ngày càng bất lợi hơn. SRI cống hiến cho cơ hội tốt đẹp hơn nhiều cho hằng triệu gia đình bị thiệt thòi.”
Chúng tôi thành thật cảm kích tất cả nông gia liên hệ, chính phủ, Tiến Sĩ Norman Uphoff, cùng các cá nhân và tổ chức như là Trung Tâm Hệ Thống và Tài Nguyên Quốc Tế SRI, cho công việc phổ biến các kỹ thuật thân thiện Địa Cầu của Cha Henri de Laulanié vì lợi ích của nhân loại. Cầu mong phương cách trồng trọt thuần chay hữu cơ sớm thành quy tắc chung, cung ứng thực phẩm chay an toàn, lành mạnh và phong phú cho tất cả mọi người.